BẠN TÔI, NHỮNG SINH VIÊN SĨ QUAN KHÓA 2 HỌC VIỆN CẢNH SÁT QUỐC GIA

NGUYỄN THỪA BÌNH

https://dongsongcu.files.wordpress.com/2018/08/hoc-vien-canh-sat-quoc-gia.jpg

Ðời, con người sinh ra cùng sống với nhau một lúc nào đó vào một nơi nào đó mà quen nhau, thân nhau chí tình rồi ra bạn bè. Những năm dài mài đũng quần trên ghế nhà trường từ Tiểu Học lên Trung Học và cả Ðại Học, người ta từ đâu đâu đến, ban đầu ai biết ai, sau chơi với nhau và gì gì cũng là bạn bè một thuở học trò. Biết bao kỷ niệm phấn trắng bảng đen, hoa phượng vĩ, ve sầu, lưu bút mà nhớ nhau hoài thời niên thiếu. Tôi, những người bạn đó từ thời mới cắp sách đến trường nơi Xóm Bánh Tráng, Phường Lạc Ðạo; những người bạn đó nơi Trường Nam Tiểu Học Phan Thiết; những người bạn đó ở các Trường Trung Học Phan Bội Châu, Chu Văn An, Ðại Học Văn Khoa, Luật Khoa. Anh em với nhau, có những lúc mầy, tao cải lộn, đánh lộn, ghét cay ghét đắng nhưng cũng có những lúc cảm thông nhau, thương nhau một khi bạn mình bị mối tình đầu vỗ cánh bay xa hay đau nỗi đau “mầy đậu, tao rớt” những kỳ thi Trung Học, Tú Tài. Kỷ niệm là những mảnh vụn ký ức còn đọng lại có khi đã kết tinh thành những hạt máu đào luân lưu trong tâm huyết dễ làm chạnh lòng ta bất cứ lúc nào nhớ về một thời xa xưa. Một thời xa xưa lúc nào đó, ở đâu đó vui cũng có mà buồn cũng có. Có điều, kỷ niệm nào bây giờ tự thân ta còn giữ lại đều quý hóa biết chừng nào, đẹp biết chừng nào và chắc gì một mai ta nằm xuống lại không đem theo xuống lòng đất! Ðời đi học, kỷ niệm đáng nói nhất vẫn là thời mười hai năm trời đời học sinh từ Tiểu Học lớp Năm qua hết Trung Học lớp Ðệ Nhất. Bởi ở Ðại Học, thứ nhất tôi không học được lâu và thứ hai là loãng quá, người ta đã là người lớn khắp 4 Vùng Chiến Thuật vừa xa lạ, vừa giữ tình giữ ý một cách dọ dẫm, dè chừng, cảnh giác có vẻ so đo, suy bì thì dù muốn hay không, cái thứ tình cảm trong con người cũng bị gò bó, thắt chặt là chắc. Nhưng, tôi sinh ra thời chinh chiến và cũng lớn lên trong thời chinh chiến, bạn bè tôi ngoài học đường ra còn nhiều biết chừng nào nơi quân trường huấn nhục, nơi các đơn vị canh giặc, nơi các trại tù “học tập cải tạo” nghi65t ngã. Bài viết nầy, tôi muốn dành phần nói về mối giao tình của mình với những anh em bạn gọi nhau là đồng môn, là đồng đội, là chiến hữu sống thời Khóa II Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia mà quân trường là bãi tập chiến thuật ở Trường Bộ Binh Thủ Ðức và giảng đường thì nằm trong Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Ðô năm 1967. Từ khi ra trường, tung hoành Nam, Bắc, Ðông, Tây, chúng tôi mỗi người một ngã, mỗi người một việc ra sức bảo quốc an dân có khi chưa một lần gặp lại. Tính thời gian lùi về ngày anh em tứ chiếng mới vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia thì chúng tôi tròm trèm có dư tám năm đối mặt với kẻ thù Việt Cộng. Tiếc thay thế nước cuộc cờ đành nuốt hận nỗi đau mất nước, anh em như chết đi rồi mà vào tù Cộng Sản, chịu biết bao cay nghiệt khôn lường!

Thật mà nói, vào được Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia không dễ chút nào. Khó nhất vẫn là cuộc thi người đông vài ngàn mà lấy chỉ hơn một trăm. May mới đậu? Một sáng ngày 23 tháng Giêng năm 1967 tôi nhập học Khóa II Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia. Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia lúc bấy giờ nằm trong Biệt Khu Thủ Ðô với những dãy nhà tôle vừa làm giảng đường, vừa làm nhà ngủ, vừa làm văn phòng, vừa làm nhà ăn và cũng vừa làm nhà bếp. Ban sơ buổi bình minh nhà trường còn nhỏ nhoi, nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng luật đời, không có cái nầy thì có cái kia bù trừ. Nhờ như vậy đó, chúng tôi những anh em xa lạ biết chừng nào, khác nhau biết chừng nào mà quen mau, thân mau. Không phải sao, chúng tôi những chàng thư sinh trẻ măng, khờ khạo, ngơ ngáo mới bước ra ghế nhà trường thì đụng mấy anh bạn già dặn Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn mà cứ ngỡ là Tổng Ðoàn Thanh Niên Trừ Gian của ông Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ một thời báo chí gán cho cái tên là Tổng Ðoàn Thanh Niên Bảo Gian. Anh em rồi cũng mau lẹ tay bắt mặt mừng mầy, tao thân thương một nhà Khóa II Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Có lẻ nhờ đôi chân đi không biết mệt và tính người khoái giao du nên chẳng mấy ngày, tôi “tứ hải giai huynh đệ” cũng bộn bạn bè. Tôi nhớ mình hồi nhỏ chân quen rong chơi hết chỗ nầy đến chỗ kia khắp ngoại ô Phan Thiết với cái nạn thun bắn chim. Lớn lên quen đạp xe đạp đi học xa từ Ciné Văn Hoa Dakao, đường Trần Quang Khải xuống cuối đường Minh Mạng, Chợ Lớn học Trường Chu Văn An. Người ta thường nói: “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”, ý chừng hợp ý nhau dễ bắt thân với nhau. Người Pháp cũng có ý kiến tương tự: “dis-moi qui tu hantes, et je te dirais qui tu es” mà ngày xưa thầy giáo thường nói; “trò hãy nói trò chơi với ai, và thầy sẽ nói trò là người thế nào”. Học Viện lúc bấy giờ, tôi tính mậy mậy kích cỡ nơi sân vuông trước có chiều dài mỗi bề không quá 300 thước và sân chữ nhật sau, rộng cỡ 100 thước và dài không quá 400 thước. Nó hẹp như vậy và nhỏ như vậy cho 235 khóa sinh Biên Tập Viên và chắc cũng khoảng 200 khóa sinh Thẩm Sát Viên đi vô đi ra gặp nhau hà rầm, xích mích nhau hà rầm và cũng thân với nhau dễ dàng biết chừng nào là tự nhiên. Bây giờ ngồi đây đang nghĩ về những ngày đó, tôi hình tượng ra được trong trí nhớ của mình bóng dáng, cung cách những anh em ngày xưa hồi đó cũng đã 45 năm còn gì. Ông mà ít ai nhớ nhất, ít ai quen nhất cũng vì làm biếng lời ăn tiếng nói và mặt mày thì lầm lầm lì lì một cõi đi về, tôi muốn nhắc đến ông bạn ngó dzậy mà không phải dzậy, hiền khô, dễ chịu Hà Thức. Ông nầy nếu không lầm, tôi chưa từng đối mặt, chưa từng một lời với ổng một lần trong cả 9 tháng trời Học Viện. Vậy mà, học Trường Bộ Binh Thủ Ðức tôi gặp ổng. Ở tù, tôi gặp ổng. Qua Mỹ ở thành phố nhỏ chút xíu chút xiu tôi cũng lại gặp ổng. Gặp ổng, mới biết ổng là một người bạn có lòng, chí tình, tốt bụng. Nghe vợ chồng tôi sẽ qua Cali, ổng nhận ngay việc đưa đón dù đường dài đi cả một giờ đồng hồ và đêm khuya khoắc với tuổi già đã quá “thất thập cổ lai hi”. Ðã vậy, cùng với bà vợ hiền “bao” vợ chồng tôi một sáng Ðiểm Sấm ngon miệng còn đòi đưa đi nhà hàng ăn tối với ông bà Phan Thành Ngọc Ðiệp, Nguyễn Hồng Son. Ông Trương Thành Khôi giọng nói đặc sệt người Ðà Nẳng, ưa tranh luận và cứ khoe chợ Cồn, sông Hàn, biển Thanh Bình, núi Sơn Chà, nước mắm Nam Ô và “Ðà Nẳng lớn hơn, giàu hơn, vui hơn Huế nhiều lắm chớ”. Ông Trang Thành Lộc đi vô đi ra Học Viện có khi bằng xe hơi như ta đây con nhà giàu, học trường Tây, lè phè với chiếc đủa xỏ cái lạp xưởng và cổ quấn khăn sọc rằng, lúc nào sắp hàng cũng trể hơn người ta. Ông Nguyễn Văn Thơ có khuôn mặt hệt tên lính Sư Ðoàn Bạch Mã của Ðại Hàn đóng ở Ninh Hòa. Thường với vài anh em ngồi dưới bóng cây điệp, trên 2 thành cầu sửa xe hơi, ổng cứ xổ ba cái chuyện tục tĩu, dâm bôn rồi chữi thề độc địa, độc đáo và vào những ngày đẹp trời, đeo cho oai mỗi bên vai một bông cúc bạc lấy le. Ông Ðoàn Long Thể, tướng tá lệt bệt, bèo nhèo, đen như Bao Công, Bao Hắc Tử, Bao Thanh Thiên mà bài bạc thì sáng, trắng vào hàng “số dzách”. Có một ngày, ổng đã nuốt trọn tiền lương của các tên cúng cơm Sáu Lèo, Quang 3 Ca, Thuận Bình Ðiền mà không cho lại đứa nào một đồng mua ly nước đá chanh uống đỡ khát. Ông Nguyễn Kim Hạc trời sinh cái lỗ miệng bắt ăn to nói lớn, ăn tục nói phét. Ổng nằm bên Trung Ðội 21 hông hống cái giọng trời long đất lở Sư Tử Hống của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Nằm xa lắc xa lơ bên Trung Ðội 22 chúng tôi không ai chịu nổi, cứ la làng “fermez la bouche”, “fermez le pot”. Ðã vậy ban ngày, ban đêm ngủ, ổng ngáy còn “ngán” biết chừng nào. Ngáy gì mà ngáy như heo bị thọc huyết như trâu bị đập đầu ở batoire! Có điều, ổng người ngay tính “có sao nói vậy người ơi”, anh em ai cũng khoái, cũng thích. Cùng Trung Ðội 22, nằm kế bên là anh bạn Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn Ðỗ Văn Trực lớn hơn tôi vài tuổi, người Bắc Di Cư 54 hiền khô, lúc nào cũng hì hì “ai sao tui dzậy” kiểu trong Nam. Chưa thấy anh ta “cải chày cải cối” với ai bao giờ. Ai lỡ làm phiền anh ta mà xin lỗi, ảnh cứ “có gì đâu, có gì đâu, anh em cả” kèm theo nụ cười tươi như hoa hồng thắm. Chắc vì tính “hiền khô” của Trực mà tôi cứ nhớ về anh, người hơi thấp một chút, to con một chút, đen đen một chút và có bí danh hơi oan uổng một chút là Trực Thối không biết ai đặt cho. Ông Nguyễn Văn Lý nước da ngâm ngâm bánh ít như người Miên miệt vườn dưới Sóc Trăng, Trà Vinh có hai má lúm lúm đồng tiền hữu duyên như cô gái Khmer chưa chồng. Lúc nào cũng thấy ổng cầm cái “tondeuse” hỏi người ta “hớt tóc không”. Không có gì đúng phóc hơn khi anh em cho ổng một cái tên để đời là Lý Tondeuse. Tôi hợm mình học thói Từ Hải“ nhất trạo giang sơn tận địa duy” đi tìm thế sự đa đoan. Thế sự đa đoan dù trong Học Viện nhỏ hơn mảnh vườn trồng rau cải của người nhà quê Bà Ðiểm, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Chiểu. Có khi thấy mà tức cười mấy ông Nguyễn Duy Huấn, Ngô Mậu Lạc, Cao Quý, Lê Ðức Tuân cải lộn với mấy ông Nguyễn Minh Lộc, Nguyễn Phi Hường, Nguyễn Một, Nguyễn Quang Tầm về Huế với Quảng Nam và Quảng Nam với Huế. Mấy ông nào cũng cho “không đâu đẹp bằng quê hương của mình” cả mà phạng quê hương của người ta không đâu xấu hơn để còn chút nữa là “oánh” lộn với nhau. Một ông bạn đi ngang qua, chắc là anh chàng trắng trắng như lai nửa Tây nửa Tàu tên Vân Ðại Quốc nói vào: “ Quảng Nam hay cãi; Quảng Ngãi hay co; Bình Ðịnh hay lo; Thừa Thiên ních hết”. Phan Thiết, ngoài tôi ra còn có Trần Khánh Thiện, Bùi Bình, Trần Ngọc Ánh và Nguyễn Văn Vĩnh có mặt ở đây. Tất cả chúng tôi đều là học sinh Trường Trung Học Công Lập Phan Bội Châu. Trần Ngọc Ánh trẻ, hiền hòa, vui tính mà cũng thẹn thùng “em như cô gái hãy còn xuân” tôi chưa từng quen biết. Tưởng ổng đã bị Việt Cộng xử tử thời Phước Long mất rồi chớ, ai ngờ ổng chỉ bị bắt làm tù binh mà còn sống đến nay. Còn sống đến nay ổng mới cõng được vợ bên Úc qua Bắc Cali hội ngộ với anh em Học Viện ngày kỷ niệm 45 năm vào năm 2011. Nhìn ổng, tôi biết ngay Ánh Tiểu Thơ còn trẻ măng, ắt còn sống lâu vài chục năm nữa. Ông Trần Khánh Thiện là giáo sư dạy Trường Bán Công Phan Chu Trinh, Tiến Ðức, Chính Tâm, tôi biết mà không quen. Ổng đẹp trai thì có đẹp trai thiệt mà cằn nhằn cẳn nhẳn thì “đếch” có thua ai. Ai nhìn ổng cũng thấy dễ ghét thấy mồ cái im ĩm và cái kênh kênh, nhưng chơi với ổng thì thấy dễ thương, dễ mến cái tính người không thích nhiều chuyện, không quanh co. Ai thì tôi không chắc nhưng với Thiện thì tôi quả quyết, anh ta ghét cay ghét đắng ba thằng Việt Cộng trí trá, gian manh, tàn ác vô cùng. Ổng cũng theo tôi “học tậo cải tạo” ở Biên Hòa, ở Yên Bái, ở Vĩnh Phú…Ông Bùi Bình lạ gì là bạn học, bạn chơi với tôi từ thời Trung Học Ðệ Nhất Cấp rồi Ðệ Nhị Cấp, hai mắt lúc nào cũng như có hai cục ghèn to ịn vào. Ở Nha Trang năm 1974, tôi đã 3 con, có hỏi anh ta “khi nào lấy vợ mậy”. Bình trả lời ngắn, gọn “không lấy”. Vậy mà Việt Cộng vào, ổng cũng ôm một bà làm vợ. Hai vợ chồng hiện đang sống tuần trăng mật lâu hơn ai hết ở San Francisco. Tôi nhớ như in một ngày xấu trời ở Sở Muối Phan Thiết, một chiều đầu năm 1975, ổng lái chiếc xe Cảnh Sát của tôi từ Quảng Ðức về, chở cả nhà tôi ngồi ở trển. Một đứa nhỏ chăn bò kịp lùa cho mấy con bò qua hết bên kia đường rồi đứng lại bên nay đường nhìn theo. Bùi Bình lái xe chầm chậm, cẩn thận. Xe chạy qua. Thằng nhỏ chạy ra. Bùi Bình đứng thẳng người đạp thắng. Thằng nhỏ đã nằm dưới gầm xe. Không biết trời xui đất khiến làm sao, thằng nhỏ chăn bò “ác đạn” đó lại lóc ngóc bò ra không hề hấn một chút nào. Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh về Phan Thiết, một năm vài tháng làm Chỉ Huy Trưởng ở Quận nầy, một năm vài tháng làm Chỉ Huy Trưởng ở Quận kia nơi Tỉnh Bình Thuận tôi mới quen biết. Vĩnh, con người nhanh nhẹn, hoạt bát mà không hồ đồ, dễ dãi mà không ba phải, biết tình nghĩa anh em . Ngày trong Học Viện vì to con tốt tướng, ổng nằm trong toán thủ kỳ mà chịu nắng chịu mưa tập dợt mệt thấy mồ. Tháng Năm năm 2012 vừa qua gặp nhau ở Nam Cali, thấy ổng cũng còn phương phi và hảo tâm tới lui phi trường John Wayne Airport đón đưa vợ chồng tôi. Bà Xã của ổng “đãi đằng” một bữa cơm gà nấu theo kiểu Phan Thiết. Ăn, ai cũng khen ngon. Dĩ nhiên ngoài một ít anh em đã nói ở trên, còn biết mấy anh em nữa chưa nói ra được vì bài viết chắc chắn sẽ dài lòng thòng, lọng thọng không ai thèm liếc qua, nói gì đọc.

Có điều, bạn tôi mà không nhắc tới mấy tên ruồi bu, mấy tên cúng cơm một thời 9 tháng Khóa II Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia sau đây là một thiếu sót đáng phiền hà, đáng trách móc. Mấy anh nầy không ít thì nhiều đóng góp, phụ họa sự sai trái, bê bối nếu không muốn nói là “bagaille” cho tôi trở thành thằng “ba que”, “ba láp”, “ba hoa”, “ba de”, “ba trợn”, “ba chui”, “ba búa”, “ba trời” Sáu Lèo. Nói thì nói vậy cho vui, chứ những ông Huỳnh Hồng Quang, Huỳnh Ngọc Thuận, Huỳnh Hữu Ðức và Hoàng Văn Thành là dân làm chồng làm cha biết lo gia đạo; làm sĩ quan biết tiết tháo kẻ chỉ huy; làm Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia biết nêu cao ngọn cờ Tổ Quốc, Công Minh, Liêm Chính; làm bạn làm bè biết sống sao cho phải tình bằng hữu, chứ bao giờ là “mấy tên ruồi bu, cúng cơm” đâu. Huỳnh Hồng Quang ra trường là nhập vào Cảnh Sát Dã Chiến, ở miết cho đến ngày tan tành khói lửa Việt Nam Cộng Hòa. Dù nay Khối Cảnh Sát Dã Chiến, mai Khối Yểm Trợ Võ Trang, mốt khối Ðiều Hành, Quang cứ ở lì lấy cho được cái lon Thiếu Tá và Cữ Nhân Luật, chờ thời vượt “Vũ Môn”. Quang là “Quang 3 Ca” cũng không phải hiền. Thời làm Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 13 ở Biệt Ðoàn 5 ổng đã trị tên lính du đảng Se Văn Hoàng biết sợ, biết phục tùng. “Nó đâu có ngán ai, hăm giết cả Ðại Ðội Phó của nó nữa mà”. Quang, thời Học Viện mỗi chiều không chịu nổi lòng vòng trong cái sân trường nhỏ quá là nhỏ và đụng đầu nhau bộp bộp mấy anh bạn “nhìn thấy ghét”, nhất định “leo tường”. Leo tường, tưởng đi đâu, “đi tới đi lui ở ngoải cho đỡ tù túng dzậy mà”. Ông Huỳnh Ngọc Thuận, môt dân dã miệt ruộng Bình Chánh dính cứng một cái tên nghe sao chân chất, hiền hòa là Thuận Nhà Quê. Anh ta cứ ngong ngóng đến cuối tuần là “ê dzọt tụi bay”. Dzọt tưởng đi đâu, rủ nhau về Bình Ðiền, Chợ Ðệm của anh ta “về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Thuận với tôi tù từ Biên Hòa, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn đến Lào Cai, Vĩnh Phú sống đời mạt vận đìu hiu. Anh ta, hạng người trộn trạo những đặc tính của một người biết nhịn nhục, chịu khó, gan lì, chịu chơi. Khi là Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 6 của Biệt Ðoàn 222, cứ y như rằng buồn buồn một chút, vui vui một chút là Xập Xám, Phé với mấy thằng bạn ham vui nơi Phòng Ngủ Hồng Tá, cũng lấy được Chương Mỹ Bội Tinh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấp cho. Khi tù về, ai không dám chứ Thuận dám buôn vàng bán bạc và râu ria chân rết cho mấy mụ Huyện Ðề. Hạng thỏ đế “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” như tôi có cho cũng không dám đụng tới. Ông Ðức, Huỳnh Hữu Ðức người Lấp Vò của Quang 3 Ca. Ổng tướng tá nhỏ thó, không đẹp trai mà có duyên phong trần, nghệ sĩ, ghiền thuốc Capstan, hút đến vàng tay, đen răng. Người có vẻ lang bạt giang hồ Bohémien. Tôi “dán” cho ổng cái tên để đời là Ðức Fulro. Ra trường, ổng cứ trôi nổi khắp 4 Vùng Chiến Thuật rồi trụ chức Chỉ Huy Trưởng Quận Hòa Tân của Gò Công. Không dại như bọn tôi ở lại mà vào tù “học tập cải tạo”. Ổng làm “boat people” qua Mã Lai rồi ở luôn bên Pháp đến nay với các bạn cùng khóa Ðặng Thanh Toàn, Ngô Quốc Lý. Ông nầy nghĩ mọi việc đều đơn giản. Ðơn giản như trốn ra ngoài chỉ có việc “cứ chạy cái vù nơi cổng gát là ra chớ gì”. Ra chớ gì để mút kem Pôle Nord, dạo đường Nguyễn Huệ hay nhâm nhâm, nhi nhi cà phê Thu Hương nhìn gái tới lui trên đường Hai Bà Trưng. Từ ngày ra trường tháng 10 năm 1967 đến nay, không thấy cái bản mặt cô hồn của ổng ở đâu. Ổng ở Pháp, nghe nói cứ nửa năm ở Sài Gòn và nửa năm ở Paris, rõ ràng ràng sống kiếp rầy đây mai đó. Cuối cùng, ông bạn trẻ tuổi tài cao Hoàng Văn Thành, người Bắc Quan Họ, mặt mày trắng trẻo thư sinh, hiền như cục bột mà gàn là Gàn Bát Sách, nhát gừng, cãi thì hay cãi nhưng biết tùng phục mà “chịu thua các ông”. Có phải như vậy không mà Hoàng Văn Thành có tên là Thành Nùng. Nếu chấp nhận Hoàng cũng là Huỳnh thì tôi có đến bốn ông bạn một lúc cùng là họ Huỳnh. Cũng lạ! Ông nầy thời Học Viện, “các ông đi đâu, tôi đi theo”. Ổng dễ lắm, thường theo Sáu Lèo tôi, Quang 3 Ca, Thuận Bình Ðiền, đôi khi có cả Ðức Fulro nữa, ra Công Trường Dân Chủ đi một vòng Lê Văn Duyệt, Hiền Vương, Trần Quốc Toản rồi vào quán cháo lòng đầu đường Yên Ðổ có cô con gái nhỏ nhỏ học Gia Long mà tôi khoái khoái trong bụng. Hồi làm ở Phan Thiết năm 1970, tôi có nghe đương sự làm Chủ Sự Phòng Hành Chánh của Ty Cảnh Sát Quốc Gia Bình Tuy. Sau đó nghe lên Thiếu Tá bên Cảnh Sát Dã Chiến ở Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Khu III. Hỏi nhiều anh em “giờ nó ở đâu”. Không ai biết nó ở đâu. Chúng tôi, Thuận ở Florida, Quang ở Utah, Ðức ở Pháp và tôi ở Missouri đã mấy chục năm chưa gặp lại. Thuận có tiễn tôi qua Mỹ năm 1992. Quang, tôi có gặp ở K1, Z30C Hàm Tân mấy ngày trước khi ra tù năm 1984. Ðức Fulro và Thành Nùng thì từ ngày ra trường đến giờ không thấy dung nhan mùa Hạ nhạt nhòa đến mức nào của mấy ổng. Ðức thì còn nghe tin ở Pháp. Thành thì biệt vô âm tín. Ðời, mới đó thoắt đã gần nửa thế kỷ một trăm năm, nghe sao buồn vời vợi, chơi vơi…tình anh em vắng dần, mất dần! Ít nhất cũng có 9 tháng, gần được 300 ngày những người anh em từ nhiều nơi trên khắp Nước Việt Nam Cộng Hòa vào đây Biệt Khu Thủ Ðô mà vô học Khóa II Học Viện Cảnh Sát QuôcGia. Họ trước lạ sau quen là tự nhiên. Thời gian đủ dài cho anh em chung chạ với nhau có những kỷ niệm thân quen quý hóa mà có lâu bao nhiêu, có xa cách mấy cũng vẫn nhớ nhau. Họ nhớ nhau mà tìm lại với nhau, nhắc lại chuyện mới đó mà đã 45 năm trôi qua như gió thoảng, như mây bay với bao biến đổi khôn lường của mệnh nước nổi trôi, trời đất bao la.

https://i2.wp.com/batkhuat.net/images/bai-chienthuat.jpg

Tôi cứ nghĩ, mình sinh ra rồi cũng sẽ chết và đương sắp chết thì tại làm sao những người anh em cùng là đồng khóa, đồng nghiệp, chiến hữu một thời những ngày xưa “tao, mầy” hết sức thân thiện, gần gụi, dễ dãi, xuề xòa…mà sao bây giờ e dè, chấp nê, lý lẻ cho xói mòn kỷ niệm vốn đã mù mờ, nhợt nhạt theo thời gian? Có người còn sống nhăn răng nhưng chắc buồn đời, buồn tình mà “tuyệt tích giang hồ” không muốn gặp ai. Có người giận nhau lời qua tiếng lại hồi đó hay bây giờ mà không vừa ý nhau, rồi “anh đi đường anh, tôi đường tôi”. Có người cho rằng gặp nhau “thì cũng vậy thôi”, thời gian đã xói mòn và phôi pha kỷ niệm đi rồi. Có người già cả hoặc vì túng thiếu hoặc vì yếu đuối hoặc vì bệnh tật mà “lực bất tòng tâm” không đến với nhau được, đành buồn trong nỗi buồn luyến tiếc quá khứ. Có người mang cái nghiệp “tay làm hàm nhai”, thì giờ còng lưng già đi làm chưa đủ, đâu có hưỡn mà đi tới đi lui họp khóa, họp bạn để “ăn bữa giỗ lổ bữa cày”! Có người “tao bây giờ già rồi, không thích chốn đông người, nơi ồn ào” nên cứ “nằm khoèo ở nhà coi phim bộ của mấy mạng Ba Tàu hay mấy trự Ðại Hàn khỏe hơn”. Có người còn phải coi sóc mấy đứa cháu nội, cháu ngoại nhỏ chút xíu chút xiu, có khi mới vài tháng “cho ba má tụi nó có thì giờ đi làm”. Có người, có người đủ trăm ngàn lý do rằng “không tham gia được” thì đừng hỏi dai như giẻ rách là “sao mầy không tới với anh em cho vui”? Trái hết thẩy mọi người, ông bạn Lê Văn Thuận, tôi không quen, không biết thời Khóa II Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia năm 1967 nhưng người chung nhiệm sở với tôi ở F. Ðặc Biệt Quảng Ðức, người Bắc, gốc Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn như Trực Thối, làm việc cũng giỏi mà “bài bạc” cũng giỏi, tim mổ tới mổ lui mấy bận ở dưới Taxas mà “họp Khóa, họp Ngành ở đâu “moi” cũng đi”. Ngày 27 tháng 5 năm 2012, gặp ổng ở Kỷ Niệm 45 Năm Khóa II Học Viện, mừng biết chừng nào! Tôi thử hỏi “giả như năm tới ở Bắc Cali có tổ chức, đi không?” “Ngán thằng Tây nào”, Thuận trả lời một cách dứt khoát, gọn lỏn, tỉnh bơ. Ðó, đừng bao giờ nói không bao giờ, “never say never”.

Ngạn ngữ Pháp có nói: “Vouloir, c’est pouvoire” mà ngày xưa thời Trung Học, chúng tôi đứa nào đứa nấy lại không thường đầu môi đầu lưỡi phạng ra mấy lời: “muốn là được”. Ý nói, chúng ta muốn làm điều gì, muốn có cái gì là đều có cách chúng ta làm được hết thẩy: “where there’s a will, there’s a way”. Tôi nghĩ, mình sinh ra làm gì nhỉ? Chẳng lẻ là cây cỏ rồi chết theo cây cỏ. Nhưng con người có cho là cây cỏ đi, nhưng là thứ cây cỏ có suy nghĩ, có tư duy kia mà. Chúng ta đã từng được nghe ông Blaise Pascal nói: “L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la nature, mais c’est un roseau pensant”. Ðúng, con người chỉ là cây sậy, môt loại yếu nhất trong thiên nhiên, nhưng là cây sây có tư tưởng. Cho nên, sống một cách vô vị cho đến chết đi là hết một kiếp người, thì sự sinh ra đời đó hóa ra vô nghĩa, phi lý đến chừng nào nhỉ. Bỗng lại nhớ câu thơ Tàu của Vưong Phạm Chí, tôi chép ra như đã nhiều lần chép ra trước đây rồi: “tích ngã vị sinh thời. Minh minh vô sở tri. Thiên công hốt sinh ngã. Sinh ngã phục hà vi?” Thật vậy, thời xưa chưa sinh ra, trời đất âm u mình có biết gì. Ông trời thình lình sinh mình ra. Sinh mình ra để làm gì? Người xưa đã thắc mắc và đeo đẳng cái thắc mắc nầy chắc mãi mãi đời người không giải đáp được. Và tôi thắc mắc là sao anh em mình cũng tuổi hạc đã cao, gần đất xa trời, còn bao nhiêu ngày, tháng, năm nữa lại đành “buông” mọi việc, nỡ “phủi tay” mọi thứ, không còn dính dấp chút bụi phong trần. Chút bụi phong trần là chút tình anh em ngày xưa còn đọng lại khuyên ta, nhắc ta hãy ít nhất một lần chót mau mau họp mặt rồi có thể là mãi mãi vĩnh biệt mà “cát bụi trở về với cát bụi” còn nhớ một thời hình hài thế nhân trên cõi đời nầy ta có bạn có bè./.

NGUYỄN THỪA BÌNH
Những ngày chớm Thu 2012

Nguồn: http://batkhuat.net/van-svsq-khoa2-csqg.htm

Leave a comment